VIÊM LỢI LÀ GÌ? DẤU HIỆU VÀ NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GẶP

VIÊM LỢI LÀ GÌ? DẤU HIỆU VÀ NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GẶP

VIÊM LỢI

VIÊM LỢI LÀ GÌ? DẤU HIỆU VÀ NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GẶP

 26/10/2023

Viêm lợi rất phổ biến, cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt người lớn trên 30 có gần ½ người viêm lợi. Vậy viêm lợi là gì? Dấu hiệu và nguyên nhân thường gặp của bệnh là gì? Bài viết sau đây, BS.CKI Nguyễn Thị Châu Bản, khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK Tâm Anh TPHCM sẽ giải đáp những thắc mắc về viêm lợi.

Viêm lợi là gì?

Viêm lợi (viêm nướu hay gingivitis) là tình trạng mảng bám có chứa vi khuẩn, tích tụ trên răng, gây viêm mô lợi. Khi mảng bám tồn tại trên răng quá lâu, hình ảnh viêm lợi dễ nhận thấy như lợi bị kích ứng, viêm, đỏ, sưng tấy, chảy máu và tiết dịch. Hơn nữa, vi khuẩn mảng bám còn làm men răng suy yếu. Vì vậy, người bệnh không chỉ cần đánh răng thường xuyên mà còn phải đảm bảo thực hiện đúng cách như đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa hàng ngày và khám răng định kỳ để bảo vệ răng và lợi của mình.

Viêm lợi rất phổ biến, ít gây đau ở giai đoạn đầu nên người bệnh không quan tâm nhiều. Tuy nhiên, người bệnh cần điều trị kịp thời vì viêm lợi có thể tiến triển thành viêm nha chu và gây mất răng.

Dấu hiệu viêm lợi

Những dấu hiệu cho thấy người bệnh viêm lợi, bao gồm:

  • Lợi đỏ, sưng tấy.
  • Đau lợi.
  • Chảy máu chân răng.
  • Viêm lợi có mủ.
  • Hôi miệng.
  • Tụt lợi.
  • Loét lợi.
  • Răng dễ tê, buốt và nhạy cảm với thức ăn nóng hoặc lạnh.
  • Đau răng khi nhai thức ăn.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu người bệnh xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh viêm lợi. Chuyên khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK Tâm Anh hội tụ đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và liên tục cập nhật các trang thiết bị hiện đại sẽ giúp chẩn đoán và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp với người bệnh.

Nguyên nhân viêm lợi là gì?

Nguyên nhân gây viêm lợi, gồm:

1. Viêm lợi do mảng bám

Viêm lợi chủ yếu xảy ra do việc vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho mảng bám – chất giống màng được tạo thành từ vi khuẩn, nước bọt, mảnh vụn thức ăn và tế bào chết liên tục tích tụ lại trên răng (1). Mảng bám này cứng lại theo đường viền lợi sẽ tạo thành cao răng. Một số nguyên nhân phổ biến gây viêm lợi do mảng bám như:

  • Đánh răng và dùng chỉ nha khoa sai cách.
  • Một số loại thuốc như Phenytoin, cyclosporine, nifedipine gây tăng sinh mô lợi.
  • Thiếu vitamin (vitamin C, niacin,…).
  • Thay đổi nội tiết tố.
  • Bệnh giảm bạch cầu, bạch cầu.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Hút thuốc lá.
  • Tuổi tác.
  • Tiền sử gia đình.

2. Viêm lợi không phải do mảng bám

Bệnh xảy ra do nhiễm trùng, dị ứng, chấn thương,… Nếu nhận thấy có dấu hiệu nghi viêm nướu, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh viêm lợi và cách điều trị - Tuổi Trẻ Online

Viêm lợi gây đau, sưng, chảy máu chân răng và hôi miệng.

Các yếu tố rủi ro của bệnh viêm lợi

Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ viêm lợi, gồm:

  • Thói quen vệ sinh răng miệng sai cách. (2)
  • Hút thuốc lá.
  • Tuổi tác cao.
  • Khô miệng.
  • Thiếu chất dinh dưỡng (chẳng hạn vitamin C).
  • Răng không khít, khấp khểnh khó vệ sinh.
  • Các bệnh suy giảm hệ miễn dịch như bệnh bạch cầu, HIV/AIDS hoặc người đang điều trị ung thư.
  • Một số loại thuốc như phenytoin (Dilantin, Phenytek) dùng để điều trị động kinh và một số thuốc chẹn kênh canxi điều trị chứng đau thắt ngực, huyết áp cao và các tình trạng khác.
  • Thay đổi nội tiết tố như mang thai, chu kỳ kinh nguyệt hoặc dùng thuốc tránh thai.
  • Di truyền.
  • Các tình trạng như nhiễm trùng và nấm.

Viêm lợi có nguy hiểm không?

Có, viêm lợi nguy hiểm. Viêm lợi nếu không được điều trị sẽ tiến triển nặng hơn, lan đến các mô và xương bên dưới thành viêm nha chu và nghiêm trọng hơn có thể gây áp xe, tụt lợi và thậm chí mất răng.

Viêm lợi mạn tính liên quan đến bệnh hô hấp, tiểu đường, bệnh động mạch vành, viêm khớp dạng thấp và đột quỵ. Hơn nữa, vi khuẩn gây viêm nha chu có thể xâm nhập vào máu thông qua mô lợi, gây ảnh hưởng đến tim, phổi và các bộ phận khác của cơ thể.

Bệnh viêm lợi có lây không?

Vi khuẩn gây viêm lợi có thể lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc nước bọt. Tuy nhiên, viêm lợi khả năng lây bệnh thấp. Người vệ sinh răng miệng kém hoặc sức đề kháng yếu như HIV/AIDS, bệnh bạch cầu có nguy cơ lây bệnh viêm lợi cao.

Chẩn đoán bệnh viêm lợi

Các nha sĩ thường chẩn đoán viêm lợi dựa vào:

  • Lịch sử khám răng và những bệnh khác.
  • Kiểm tra răng, miệng, lợi và lưỡi.
  • Đo độ sâu của rãnh lợi và răng bằng cách đưa đầu dò nha khoa bên cạnh răng và dưới đường viền lợi. Nếu rãnh lợi và răng có độ sâu từ 1mm – 3mm, tình trạng răng bình thường. Nếu rãnh lợi và răng có độ sâu trên 4mm có thể thuộc dấu hiệu bệnh viêm lợi.
  • Chụp X-quang để kiểm tra tình trạng mất xương ở những khu vực có các túi sâu trên 4mm.

Phương pháp điều trị viêm lợi

Viêm lợi điều trị bằng cách loại bỏ hết mảng bám khỏi răng lợi. Người bệnh không cần quá lo lắng, viêm lợi có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Các phương pháp điều trị viêm lợi gồm:

  • Cạo vôi răng và làm sạch gốc răng: Nha sĩ sẽ loại bỏ vi khuẩn, mảng bám và cao răng khỏi bề mặt răng và bên dưới lợi. Ngoài ra, nha sĩ sẽ loại bỏ vi khuẩn gây viêm bằng cách dùng tia laser làm sạch bề mặt chân răng, ngăn cao răng và vi khuẩn tích tụ.
  • Kem đánh răng & Nước súc miệng kháng khuẩn: Dùng kem đánh răng & nước súc miệng kháng khuẩn như Chlorhexidine 0.12% có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh viêm lợi.
  • Thuốc trị viêm lợi: Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng một số loại thuốc điều trị viêm lợi như thuốc giảm đau Acetaminophen, Ibuprofen,… để giảm đau và kháng viêm.
  • Chỉnh sửa răng: Răng mọc lệch, mão răng, miếng trám răng, cầu răng nhô ra hoặc không vừa khít có thể khiến lợi kích ứng và vệ sinh răng miệng hàng ngày cũng khó loại bỏ mảng bám. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉnh sửa các phục hồi không phù hợp để giảm gây bệnh viêm lợi.

 

Cách chữa viêm lợi tại nhà

Một số cách chữa viêm lợi tại nhà như sau:

  • Chăm sóc răng miệng hàng ngày: Người bệnh cần thay đổi thói quen và thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách như đánh răng 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng sau khi ăn và lên lịch thăm khám 6 tháng/lần.
  • Chăm sóc lợi: Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh liệu trình chăm sóc răng miệng hiệu quả tại nhà, lên lịch kiểm tra nha khoa và cạo vôi răng định kỳ.

Cách phòng ngừa viêm lợi

Một số cách phòng ngừa viêm lợi tại nhà, bao gồm:

  • Đánh răng 2 lần/ngày.
  • Dùng bàn chải đánh răng có lông mềm và thay định kỳ 3 – 4 tháng/lần.
  • Có thể dùng bàn chải điện đánh răng.
  • Dùng nước súc miệng.
  • Dùng chỉ nha khoa/ bàn chải kẽ răng.
  • Đi khám và vệ sinh răng định kỳ khoảng 6 – 12 tháng/lần.
  • Không hút thuốc lá.
  • Giữ chế độ ăn uống lành mạnh.

Nghi bị viêm lợi: Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh nếu nhận thấy bản thân có dấu hiệu của bệnh viêm lợi như lợi sưng, chảy máu hoặc răng dễ lung lay. Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt để khám và điều trị kịp thời.

Trước khi gặp bác sĩ, người bệnh nên chuẩn bị một số thông tin để bác sĩ nắm rõ tình trạng của mình như:

  • Bất kỳ triệu chứng nào bản thân đang gặp phải.
  • Tình trạng bệnh của bản thân.
  • Thông tin và liều lượng những loại thuốc đang dùng, bao gồm cả vitamin, thảo dược, thuốc bổ,…

Ngoài ra, người bệnh có thể chuẩn bị sẵn các câu hỏi bản thân thắc mắc về răng lợi.

Khi đến khám, bác sĩ có thể hỏi người bệnh một số câu gồm:

  • Người bệnh gặp triệu chứng bắt đầu từ khi nào?
  • Các triệu chứng diễn ra liên tục hay thỉnh thoảng?
  • Người bệnh đánh răng bao nhiêu lần/ngày?
  • Người bệnh có dùng chỉ nha khoa không?
  • Người bệnh có thăm khám nha khoa định kỳ không?

Viêm lợi không được điều trị có thể trở nên nghiêm trọng hơn và tiến triển thành bệnh viêm nha chu. Hãy gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời. 

 

 Nguồn tham khảo
  1. Ubertalli, J. T. (2022, May 2). Gingivitis. MSD Manual Professional Edition; MSD Manuals. https://www.msdmanuals.com/professional/dental-disorders/periodontal-disorders/gingivitis
  2. Gingivitis. (2023). Mouthhealthy.org. https://www.mouthhealthy.org/all-topics-a-z/gingivitis/

wechat
Chat fanpage